Trong 18 tháng, 9 cán bộ biên phòng và công an bị cáo buộc nhận 38 tỷ đồng “lót tay” từ trùm buôn lậu, đổi lại các tàu chở xăng sẽ không bị kiểm tra, xử lý.
Hôm nay, Tòa án Quân sự quân khu 7 tiếp tục ngày thứ hai xét xử đại án buôn lậu 200 triệu lít xăng giả, liên quan hai thiếu tướng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Lê Văn Minh và Lê Xuân Thanh.
Trước tòa, 12 người bị truy tố tội Nhận hối lộ, gồm 10 cán bộ cảnh sát biển, biên phòng, cảnh sát và người nhà, phần lớn đã thừa nhận hành vi. Thiếu tướng Minh, Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4 khai nhận 6,9 tỷ đồng của trùm xăng lậu Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) song chỉ coi đó là “quà biếu thông thường”. Vợ chồng thiếu tướng Thanh cũng khẳng định 11 lần nhận tiền mặt của con trai ông Hữu mang đến tận nhà, đựng trong túi nylon đen.
Đại tá Nguyễn Thế Anh, cựu chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, là người duy nhất kêu “oan” ngay từ những lời khai đầu tiên. Ông nói “không biết Phan Thanh Hữu là ai”, cũng chưa lần nào nhận tiền. Việc ông viết tâm thư và nội dung lời khai trong giai đoạn tạm giam “do bị cơ quan điều tra bắt phải làm”.
Trước lời khai này, em họ của ông Thế Anh, bị cáo Nguyễn Văn An nói điều ngược lại. An hai lần khẳng định được ông Thế Anh nhờ nhận tiền hối lộ hằng tháng từ ông Hữu, tổng cộng “vài chục lần”.
An nhận thức được hành vi sai trái nên đã tìm cách trốn sang Lào, sau khi biết tin ông Hữu bị bắt. Toàn bộ quá trình chạy trốn, An khai được anh họ dặn dò, giúp đỡ, đài thọ chi phí.
Ông Hữu, được triệu tập với tư cách người làm chứng, khẳng định có đưa tiền hối lộ cho ông Thế Anh thông qua An. Đối chất với trùm buôn lậu xăng dầu, ông Thế Anh phủ nhận.
Trước tình thế này, VKS công bố các bút lục về lịch sử, thời gian địa điểm các cuộc điện thoại dày đặc giữa hai người trong giai đoạn xảy ra sai phạm. Ông Thế Anh khi nghe ngang chừng đã lớn giọng phản đối, cho rằng “chứng cứ được thu thập sai pháp luật”.
Theo nội dung công bố, ông Hữu thừa nhận các số điện thoại trên do mình, dùng để liên lạc với ông Thế Anh và An khi đưa hối lộ hằng tháng. “Tôi không vu oan cho ai bao giờ”, ông Hữu nói trước khi kết thúc phần đối chất.
Trùm buôn lậu chi 2 tỷ đồng “bôi trơn” mỗi tháng
Trong 14 bị cáo, duy nhất ông Thế Anh bị truy tố 2 tội danh, gồm: Nhận hối lộ và Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Ông bị cáo buộc nhận 560.000 USD và 6,2 tỷ đồng (khoảng 19,1 tỷ đồng) song chưa nộp khắc phục hậu quả. Với mức trên, ông là người nhận nhiều nhất trong vụ án.
Theo hồ sơ, thời điểm “bảo kê” cho các phi vụ buôn lậu xăng của Hữu, từ tháng 10/2019 đến tháng 1/2021, bị cáo Thế Anh giữ nhiều cương vị trọng yếu, trong đó có chức Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia).
Cáo buộc của cơ quan công tố cho thấy, việc buôn lậu 200 triệu lít xăng của Hữu, đều có sự “đỡ đầu” của những người giữ “cương vị trọng yếu” ngay từ khi vận chuyển từ nước ngoài theo đường biển, đến khi qua vào nội địa qua đường sông để tiêu thụ trót lọt tại một loạt các tỉnh phía Nam và Campuchia.
Cáo trạng nêu để chuẩn bị cho vụ buôn lậu này, ngay từ tháng 9/2019, ông Hữu cùng con trai đã gặp một loạt quan chức liên quan để “nhờ vả” và đặt vấn đề đưa tiền hối lộ hàng tháng.
Do quen biết ông Hữu từ 8 năm trước, đại tá Thế Anh nhanh chóng đồng ý mức ăn chia 30.000 USD và 100 triệu đồng mỗi tháng.
Thiếu tướng Lê Văn Minh cũng quen ông trùm này từ 2017, nhận lời “không kiểm tra, bắt giữ” tàu xăng lậu của Hữu với mức giá nhận mỗi tháng 300-450 triệu đồng. Từ khi Hữu mua thêm một tàu phục vụ vận chuyển xăng lậu, tướng Minh được Hữu “tăng lương” thêm 50 triệu đồng, lên 500 triệu đồng.
Cùng tháng 9/2019, ông Hữu xuống Trà Vinh gặp thượng tá Nguyễn Văn Hùng, Đồn trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hoà, đưa ra thỏa thuận tương tự. Cùng cuộc gặp này, ông Hữu nhân tiện nhờ được Hùng kết nối với ba quan chức khác của Trà Vinh, gồm đại tá Phạm Văn Trên, Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh, Thượng tá Lê Văn Phương, Phó phòng CSGT Công an tỉnh và Phạm Hồ Hải, Trưởng đại diện cảng vụ hàng hải Cần Thơ tại Duyên Hải, Trà Vinh.
Từ đây, bốn cán bộ này không chỉ đạo kiểm tra tra tàu của Hữu. Ngoài ra, ông Hùng còn hai lần chỉ đạo thuộc cấp kiểm tra nhưng không xử lý. Đây là động tác giả nhằm để “các lực lượng chức năng khác trên địa bàn tỉnh Trà Vinh không kiểm tra các tàu của ông Hữu nữa” vì thấy đã có lực lượng Biên phòng của Hùng kiểm tra, cáo trạng nêu.
Tháng 3/2020, khi việc hoạt động tại vùng biển 4 (thuộc các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang) thuộc quản lý của tướng Minh đã ổn thỏa, ông Hữu mở rộng hoạt động và mối quan hệ. Hai cha con tới nhà riêng “đặt vấn đề” với thiếu tướng Lê Xuân Thanh, người có trách nhiệm quản lý Vùng biển 3, (từ cù lao Xanh tỉnh Bình Định đến cửa Định An, giáp tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng).
Cùng thời điểm này, ông Hữu và đồng bọn trong nhóm buôn lậu cũng bắt liên lạc với thiếu tá Lưu Thế Đức, Phó đoàn trưởng Trinh sát 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và trung tá Nguyễn Thanh Lâm, Hải đội trưởng 2, Biên phòng tỉnh Sóc Trăng và thượng úy Sơn Hoàng Ngự, cán bộ đồn biên phòng cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh.
Từ khi nhờ vả và chi tiền cho tướng Thanh, tàu chở xăng lậu của ông Hữu “không bị lực lượng vùng Cảnh sát biển 3 kiểm tra, bắt giữ lần nào”, cáo trạng nêu. Còn mỗi lần đơn vị của Đức và Lâm có kế hoạch đi tuần tra, kiểm soát, Hữu đều được thông báo trước để chủ động điều chỉnh lịch trình của tàu, tránh thời điểm tuần tra. Ngự giúp ôngHữu “xâm nhập” nhóm Zalo nội bộ của đơn vị mình phụ trách, tính toán kế hoạch ra vào luồng Kênh Quan Chánh Bố sau đó báo để bố trí thời gian lưu thông các tàu xăng lậu được thuận lợi.
Cơ quan điều tra xác định, trong 18 tháng diễn ra vụ án, từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2021, ông Hữu chi tổng 38 tỷ đồng vào hoạt động “bôi trơn”, tức trung bình 2 tỷ đồng mỗi tháng. Đến thời điểm diễn ra phiên tòa, nhà chức trách mới thu hồi được 17,8 tỷ đồng.
Ông Thế Anh và Lâm chưa nộp bất cứ khoản tiền khắc phục hậu quả nào.
Nhà chức trách xác định, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, đường dây này đã buôn lậu hơn 204 triệu lít xăng, trị giá gần 2.900 tỷ đồng. Trong đó tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 105 tỷ.
Liên quan vụ án, đầu tháng 7, ông Hữu cùng 72 người bị VKSND tỉnh Đồng Nai truy tố về tội Buôn lậu theo khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự – khung hình phạt 12 đến 20 năm tù. Những người này được đình chỉ điều tra hành vi Đưa hối lộ do chủ động khai báo trước khi bị phát giác.
Phiên xét xử dự kiến kéo dài 3 ngày, sẽ tiếp tục phần xét hỏi trong hôm nay.
NGUỒN: VNEXPRESS.
Công ty hỗ trợ doanh nghiệp SHTB chuyên cung cấp các dịch vụ kinh doanh, dịch vụ thành lập doanh nghiệp, dịch vụ kế toán thuế, dịch vụ báo cáo tài chính trọn gói giá rẻ. Nếu doanh nghiệp của bạn cần hỗ trợ pháp lý, hãy đến với Công ty hỗ trợ doanh nghiệp SHTB để nhận được hỗ trợ, tư vấn miễn phí và tận tình.
- CÔNG TY GIẢI PHÁP DOANH NGHIỆP SHTB
- Địa chỉ: 58B Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội
- Điện thoại: 097.609.4886
- Email: admin@congtyketoanviet.com